Hợp tác để giải quyết những vấn đề toàn cầu
Ngày 18/12, tại Hà Nội, các nhà khoa học tham dự giải VinFuture đã tới thăm và làm việc với lãnh đạo Bộ KH&CN.
Tại buổi gặp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, đây là tiền đề quan trọng, mang tới điều kiện kết nối, hợp tác lâu dài giữa Bộ KH&CN - VinFuture - các nhà khoa học, giáo sư hàng đầu thế giới trong tương lai.
Bộ trưởng KH&CN khẳng định, cùng với Giáo dục đào tạo, Khoa học Công nghệ được xác định là quốc sách của đất nước. Chính vì thế, Việt Nam luôn quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã xác định các định hướng ưu tiên, trong đó tập trung cho những vấn đề toàn cầu như: Công nghệ cho năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, các công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, các công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đặc biệt, Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với mục tiêu thực hiện cam kết tiến đến phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 nhằm chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, lĩnh vực này tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như thiếu nguồn lực và công nghệ.
Qua buổi làm việc, lãnh đạo Bộ bày tỏ mong muốn các giáo sư đầu ngành chia sẻ kinh nghiệm phát triển khoa học công nghệ ở các quốc gia nơi các giáo sư đang làm việc. Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng kỳ vọng về việc các nhà khoa học thế giới xây dựng các đề tài hợp tác chung lâu dài với các nhà khoa học Việt Nam để cùng nghiên cứu và giải quyết các vấn đề toàn cầu như năng lượng, biến đổi khí hậu..., giúp Việt Nam có cơ hội để phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ, từ đó phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Các nhà khoa học hàng đầu thế giới tới Việt Nam tham dự Tuần lễ đã chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp để Việt Nam có thể chung tay giải quyết các thách thức chung của nhân loại, như phát triển AI tạo sinh, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ, phát triển sản xuất điện mặt trời; thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất pin phục vụ cho sử dụng và phát triển kinh tế, đẩy mạnh bảo vệ tầng ozon, chống biến đổi khí hậu…
Các nhà khoa học cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác để cùng Việt Nam để giải quyết những vấn đề cấp bách đó, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, những thông tin chia sẻ trong chuyến thăm và làm việc của các giáo sư hàng đầu với Bộ KH&CN là minh chứng sống động cho vai trò cầu nối khoa học của VinFuture. Từ uy tín và sức lan tỏa mạnh mẽ của VinFuture, khoa học công nghệ Việt có cơ hội tiếp cận sâu với khoa học tiên tiến của thế giới, tạo động lực bứt phá ngoạn mục cho lĩnh vực trọng yếu này trong tương lai.
VinFuture kết nối hiệu quả khoa học Việt Nam với thế giới
Cùng chung quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Trần Thuật (Phó giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) chia sẻ, điều ông tâm đắc nhất ở VinFuture là cơ hội hiếm có được gặp gỡ những trí tuệ kiệt xuất trong giới nghiên cứu toàn cầu.
Theo PGS.TS. Nguyễn Trần Thuật, cơ hội tiếp cận những trí tuệ khoa học hàng đầu, nhất là chủ nhân các giải thưởng danh giá như Nobel, Turning, Millennium Technology… nếu không phải là thành viên của các mạng lưới khoa học quốc tế, rất khó. Được trực tiếp thảo luận về các cơ hội hợp tác cùng những "bộ óc" đóng vai trò dẫn dắt xu hướng nghiên cứu toàn cầu lại càng khó hơn. Từ khi có VinFuture, cánh cửa ra thế giới rộng mở với nhà khoa học Việt.
Đây cũng là nhận định của GS.TS. Nguyễn Đức Chiến (Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội; Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam) về cơ hội cho giới nghiên cứu trong nước. GS Chiến cho rằng, VinFuture ra đời đã giúp kết nối mạnh mẽ giới khoa học trong nước với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, đặc biệt mang tới cơ hội hội nhập cho các nhà khoa học trẻ. Về lâu dài, mối tương tác và hợp tác này sẽ giúp kéo gần khoảng cách của các nhà khoa học trong nước và thế giới.
"VinFuture giúp thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Hiện rất ít tổ chức về khoa học công nghệ trong nước có khả năng kết nối và mời được nhiều diễn giả đầu ngành của thế giới với sự đa dạng về lĩnh vực tới Việt Nam như VinFuture. Với người làm khoa học, điều này có ý nghĩa động viên, khích lệ rất lớn", GS Chiến nhận định.
Vai trò cầu nối, đưa cộng đồng nghiên cứu trong nước và quốc tế xích lại gần nhau của VinFuture cũng được TS. Nguyễn Trọng Hiếu (Nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp, ĐHQG Australia) đánh giá rất cao. TS Hiếu nhìn nhận, Giải thưởng mang đến nguồn cảm hứng cho người yêu khoa học, khích lệ họ học hỏi và nghiên cứu sâu hơn.
"VinFuture cùng các hoạt động khác trong nước góp phần nâng cao uy tín của nền khoa học và công nghệ của Việt Nam. Điều này có thể thu hút sự chú ý của quốc tế, bao gồm nguồn đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trong nước", TS Nguyễn Trọng Hiếu bình luận.
Uy tín và tầm vóc toàn cầu của VinFuture đã được thể hiện rõ nét ở mùa giải thứ ba, khi Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu đến từ Việt Nam nhận được tới gần 1400 hồ sơ đề cử, cao gấp 3 lần mùa đầu tiên. Chuỗi tọa đàm khoa học diễn ra trong Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture đã trở thành điểm hẹn được mong đợi nhất trong năm của giới nghiên cứu Việt Nam và quốc tế. Năm nay, Lễ trao giải VinFuture 2023 sẽ được tổ chức vào 20h10 ngày 20/12 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1.
0 nhận xét:
Post a Comment