Sau khi thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G bằng thiết bị Việt Nam, đây là động thái tiếp theo được Bộ TT&TT triển khai nhằm chuẩn bị cho việc thương mại hóa 5G.
Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) vừa cấp giấy phép thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G cho Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Theo giấy phép này, Bộ TT&TT cho phép tập đoàn Viettel thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G tại thành phố Hà Nội, với quy mô không vượt quá 140 vị trí.
Viettel cũng sẽ được cấp quyền sử dụng các đoạn băng tần 2.500-2.600MHz, 3.700-3.800MHz và 27.100-27.500MHz đã quy hoạch để thử nghiệm thương mại 5G.
Viettel, MobiFone được phép thử nghiệm thương mại 5G. Ảnh: Trọng Đạt |
Với MobiFone, nhà mạng này được thử nghiệm thương mại 5G tại thành phố Hồ Chí Minh với số lượng không quá 50 trạm BTS.
MobiFone được sử dụng băng tần 2.600MHz để triển khai thử nghiệm theo quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy định về quản lý tần số vô tuyến điện.
Giấy phép thử nghiệm 5G của cả Viettel và MobiFone đều sẽ có giá trị đến hết ngày 30/6/2021.
Khác với lần thử nghiệm trước nặng về yếu tố kỹ thuật, đối tượng của lần thử nghiệm này là các thuê bao di động. Đây là phép thử quan trọng nhằm giúp các nhà mạng đánh giá về công nghệ và thị trường trước khi chính thức triển khai thương mại hóa 5G tại Việt Nam.
Đối tượng thử nghiệm 5G sẽ là các thuê bao di động. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo giấy phép vừa được phê duyệt, việc thử nghiệm phải chấp hành các quy định về quản lý tiêu chuẩn, chất lượng viễn thông, bảo đảm an toàn mạng, an toàn thông tin và hoàn trả tài nguyên viễn thông được cấp thử nghiệm sau khi giấy phép thử nghiệm hết hiệu lực hoặc khi có yêu cầu từ Bộ TT&TT. Trong trường hợp muốn mở rộng quy mô thử nghiệm, các doanh nghiệp sẽ phải được sự chấp thuận của Bộ.
Hồi tuần trước, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (thuộc tập đoàn Viettel) và Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart (thuộc tập đoàn Vingroup) cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu phát triển hệ thống trạm gốc di động 5G gNodeB.
Đây đều là những bước đi cụ thể cho thấy cách tiếp cận theo pha của Việt Nam về việc phát triển 5G nhằm tiến tới việc thương mại hóa trên diện rộng vào năm 2021.
Trọng Đạt
0 nhận xét:
Post a Comment