Lực lượng quản lý thị trường vừa xử lý hàng trăm vụ buôn bán xe điện lậu, xe không có chứng nhận chất lượng. Các vụ vi phạm vẫn xảy ra trong bối cảnh thị trường ảm đạm và nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất.
Hàng loạt cửa hàng bị xử lý vì xe điện lậu
Nhiều loại xe không rõ nguồn gốc, chất lượng, bán trà trộn cùng các loại hàng chính hãng |
Theo thông tin của Tổng cục QLTT, trước tình trạng vẫn còn nhiều loại xe điện lậu đang bày bán và lưu thông trên thị trường, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch chuyên đề kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh xe điện; kịp thời xây dựng phương án, tổ chức kiểm tra đột xuất đối với tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh xe điện.
Cụ thể, kể từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT tại nhiều địa phương đã kiểm tra và xử lý 216 vụ, phạt hành chính 631 triệu đồng với tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên tới 1,327 tỷ đồng.
Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu đối với mặt hàng này là không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất, lắp ráp hàng hóa thuộc đối tượng phải chứng nhận hợp quy; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; không niêm yết giá hàng hóa và vi phạm về nhãn hàng hóa…
Tổng cục QLTT cho biết, các lực lượng QLTT tại địa phương tiếp tục theo dõi, nắm diễn biến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng xe điện trên địa bàn; kịp thời tổ chức kiểm tra đột xuất khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật nhất là các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo nguồn tin của ICTNews, trong tháng 9, QLTT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị tiến hành kiểm tra nhiều cửa hàng kinh doanh xe điện trên địa bàn thành phố.
Theo chia sẻ của chủ một hệ thống điện máy, các loại xe đạp điện, xe máy điện không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện nay đã có các chiêu thức hoạt động tinh vi hơn. Nhiều mẫu xe có thể đã được “phù phép” các loại giấy tờ để hợp lý hóa nguồn gốc, xuất xứ; lượng xe khai báo thấp hơn so với thực tế; khai báo giá trị thấp hơn để “lách thuế”.
Ngoài ra, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM,… các loại xe này không còn bày bán tràn lan và công khai như vài năm trước mà sẽ bán cùng hàng chính hãng. Nếu người dùng có nhu cầu mua các mẫu xe giá rẻ thì sẽ được người bán giới thiệu. Dù không có hóa đơn chứng từ, giấy chứng nhận chất lượng nhưng với mức giá rẻ hơn 30 - 40% nên nhiều người vẫn sẵn sàng chọn các loại xe này.
Trong khi đó, ở nhiều tỉnh, thành khác, nhiều cửa hàng vẫn bày bán công khai các loại xe không rõ nguồn gốc, đặc biệt là xe đạp điện. Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh cho biết, khách hàng tại các thành phố lớn hiện nay thường có xu hướng lựa chọn các loại xe máy điện. Loại xe này hiện đã quản lý bằng việc đăng ký biển số như xe máy nên khó có thể trà trộn các loại hàng lậu mà sẽ khai báo giá trị thấp. Còn ở các vùng nông thôn, nhu cầu mua các loại xe đạp điện của người dân vẫn rất lớn (đặc biệt là từ miền Trung trở vào). Vì thế, nhiều loại xe không nguồn gốc vẫn được bày bán rất công khai.
Trách nhiệm không chỉ từ nhà quản lý
Theo nhiều doanh nghiệp, điểm gây khó trong quản lý, đó là do xe đạp điện hiện không cần đăng ký biển số khi lưu thông, người mua hoàn toàn có thể sử dụng ngay. Do đó, nhiều xe không được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn chất lượng nhưng vẫn tham gia giao thông. Cộng với tâm lý người dùng không quá coi trọng việc lựa chọn các sản phẩm có chất lượng do giá bán cao hơn. Điều này cũng khiến cho lượng xe lưu hành trong thực tế lớn hơn số lượng được quản lý.
Nhiều ý kiến cho rằng, số lượng xe được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra chứng nhận sản xuất, lắp ráp đưa ra thị trường hiện chiếm phần rất nhỏ so với số lượng thực tế và việc thống kê con số chính xác xe đạp điện hoạt động thực tế là không dễ.
Cơ quan quản lý chất lượng xe điện trên thị trường hiện nay là Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ, xe đạp điện không phải đăng ký khi tham gia giao thông nên các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm soát trên thị trường để tránh tình trạng tiêu thụ hàng không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm soát về chất lượng.
Đại diện Cục Đăng kiểm cho hay, cơ quan này cũng đã có kiến nghị sửa đổi bổ sung quy định đưa xe đạp điện vào diện quản lý, cấp biển số nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ phương tiện, đảm bảo an toàn kỹ thuật và an toàn cho người sử dụng, tránh thất thu thuế của Nhà nước. Đồng thời đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa xe của nhà sản xuất chân chính với xe có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng trên thị trường.
Trên thực tế, đề xuất này đã được Cục Đăng kiểm nêu ra từ năm 2018. Nhưng cho đến nay, đây vẫn chỉ là đề xuất từ cơ quan này.
Cũng theo đại diện Cục Đăng kiểm, để kiểm soát chất lượng của các loại xe đạp điện, xe máy điện, Cục Đăng kiểm đã tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp mô tô, xe gắn máy điện, xe đạp điện và xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, xuất xưởng xe không phù hợp kiểu loại xe đã được kiểm tra, chứng nhận.
Còn về phía doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo hãng xe cho rằng, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cơ quan quản lý thì người dùng cũng đóng vai trò rất quan trọng. Các khách hàng khi mua xe cần tìm hiểu kỹ càng hơn và phải có ý thức lựa chọn các sản phẩm có chất lượng, đầy đủ giấy tờ chứng nhận từ cơ quan quản lý để đảm bảo an toàn khi lưu thông cho chính mình và cả xã hội.
Phúc Vinh
Xe điện chính hãng "chật vật" cạnh tranh với xe lậu đang áp đảo thị trường
Xe điện hai bánh vẫn là thị trường màu mỡ, nhưng nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản, nghiêm túc vẫn đang phải chật vật cạnh tranh với các mặt hàng không rõ nguồn gốc.
Xe đạp điện và linh kiện xe điện lậu "làm loạn" thị trường Việt
Có khoảng 700.000 xe đạp điện, xe máy điện và 50cc bán ra mỗi năm nhưng con số thực tế lên đến hơn 1 triệu xe. Nhiều xe bán và lưu thông trên thị trường hiện nay không rõ nguồn gốc xuất xứ và đáng lo ngại về chất lượng.
0 nhận xét:
Post a Comment