03/09/2020 15:41 GMT+7
Theo cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro, chính phủ Mỹ sẽ truy quét thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc khác sau các sắc lệnh hành pháp nhằm vào TikTok và WeChat.
Trong cuộc phỏng vấn hồi đầu tuần với Fox Business, ông Navarro cho rằng nước Mỹ không nên sử dụng các ứng dụng của Trung Quốc nếu không muốn bị lấy dữ liệu và chuyển sang máy chủ đặt tại Trung Quốc. Cố vấn Nhà Trắng bổ sung rằng dữ liệu sẽ bị dùng để “giám sát, theo dõi và truy dấu” người Mỹ. Ông chia sẻ đây là lý do vì sao chính quyền phải cấm các ứng dụng như TikTok, WeChat và sẽ có thêm nhiều ứng dụng khác vì Trung Quốc về cơ bản đang đi khắp nơi, cố gắng thâu tóm công nghệ và tầm ảnh hưởng.
Trong lúc chiến tranh thương mại và công nghệ giữa Bắc Kinh và Washington ngày một leo thang, Tổng thống Donald Trump tháng trước ký sắc lệnh hành pháp cấm giao dịch với ByteDance, công ty mẹ TikTok và Tencent, công ty mẹ WeChat. Tiếp đó, ông ban hành thêm sắc lệnh riêng, ra lệnh cho ByteDance bán TikTok tại Mỹ trong vòng 90 ngày nếu không muốn bị cấm vĩnh viễn. Mới đây, Trung Quốc đã phản công khi cập nhật danh sách cấm xuất khẩu mới, cho phép Bắc Kinh lên tiếng đối với bất kỳ thương vụ bán mình cho nước ngoài nào của TikTok. Microsoft, Walmart và Oracle nằm trong số các công ty Mỹ đang muốn mua ứng dụng video ngắn nổi tiếng.
Zhao Lijian, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ trích hành động của Mỹ trong một tuyên bố hôm 31/8, gọi đây là “chiêu trò bắt nạt kinh tế, thao túng chính trị mà Mỹ sử dụng đối với các doanh nghiệp không phải của Mỹ”. Cũng trong cuộc phỏng vấn ngày 31/8, ông Navarro nói rằng Washington muốn tạo ra một Great Firewall giữa Mỹ và Trung Quốc để ngăn chặn mọi hành vi chuyển dữ liệu. Great Firewall là cụm từ nổi tiếng, chỉ hệ thống kiểm duyệt tinh vi của Bắc Kinh, chặn đứng các website nổi tiếng thế giới như Facebook, Twitter, Google tại Trung Quốc.
Tháng trước, Tổng thống Trump xác nhận Nhà Trắng đang cân nhắc cấm thêm nhiều công ty đại lục. Trước TikTok và WeChat, Huawei là nạn nhân nổi tiếng trên bàn cờ chính trị Mỹ Trung. Mỹ áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận mà mới nhất là chặn đứng nguồn cung chip của Huawei, khiến hãng này lâm vào tình thế hiểm nghèo. Richard Yu, Giám đốc bộ phận tiêu dùng Huawei, thừa nhận họ đã cạn kiệt chip và năm 2020 có thể đánh dấu chấm hết cho dòng chip Kirin tự phát triển.
Trong khi đó, nhà phân tích Ming Chi Kuo dự đoán hành động của Mỹ sẽ khiến mảng di động Huawei sụp đổ vì không thể tiếp cận hệ điều hành Google Android lẫn con chip quan trọng cũng như các linh kiện khác. Khi Huawei “tiêu tùng”, Apple, Oppo, Vivo và Xiaomi sẽ là những người được lợi.
Du Lam (Theo SCMP)
Huawei: Con tốt trong cuộc chơi quyền lực Mỹ - Trung
Là gã khổng lồ 5G và smartphone, Huawei từng sống như một ông hoàng. Song, gần đây, hãng nhận thấy mình giống như quân cờ trong cuộc chơi quyền lực vĩ đại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới.
0 nhận xét:
Post a Comment