Bị vạ lây bởi vụ kiện Apple, Epic Games nhất quyết đòi tòa án bảo vệ Unreal Engine của hãng khỏi đòn ‘trả đũa’ của Táo khuyết, vậy thứ này có gì lại quan trọng đến vậy?
Năm 2019, game bom tấn sinh tồn Fortnite đem về doanh thu 1,8 tỷ USD cho Epic Games trong khi Unreal Engine chỉ đóng góp con số 730 triệu USD. Vậy nhưng bất chấp việc Fortnite bị Apple gỡ khỏi App Store, Epic lại chỉ quan tâm đến Unreal Engine nhiều hơn.
Về mặt kinh doanh, lý do nào để một công ty được định giá 17,3 tỷ USD lại chỉ quan tâm đến một sản phẩm hái ra tiền ít hơn cái còn lại?
Át chủ bài của Epic Games
CEO kiêm đồng sáng lập Epic, Tim Sweeney, người khơi mào cho cuộc chiến chống lại thế độc quyền của Apple cũng chính là cha đẻ của Unreal Engine.
Sản phẩm Fortnite ban đầu chỉ là một game bắn súng co-op bình thường được phát hành vào năm 2017. Nhưng để phô diễn sức mạnh của con át chủ bài Unreal Engine, Epic đã tạo ra chế độ chơi sinh tồn ăn theo sự phổ biến của PUBG lúc bấy giờ.
Không ngờ, Fortnite Battle Royale ra mắt năm 2018 đã thành công rực rỡ và người ta quên luôn cả sản phẩm gốc lẫn bộ công cụ đã tạo nên trò chơi này.
Ngày nay, Fortnite là vũ khí để Epic khơi mào cuộc chiến với Apple, nhưng con át chủ bài để lôi kéo các nhà phát triển (như Microsoft) đứng về phía họ chính là Unreal Engine.
|
CEO Tim Sweeney chính là cha đẻ của Unreal Engine |
Unreal Engine là gì?
Vậy rốt cuộc Unreal Engine là gì mà Epic phải bảo vệ nó đến cùng? Đây là bộ công cụ thiết kế trò chơi, giống như bộ công cụ phát triển phần mềm (SDK) được sử dụng để mau chóng tạo ra phần mềm mà không phải đi gõ từng dòng code từ đầu đến cuối. Về mặt bản chất, game engine chính là xương sống của một trò chơi.
Game engine có một lịch sử ra đời từ rất lâu, nhưng chỉ thực sự được biết đến nhiều hơn với sản phẩm Quake Engine của id Software năm 1996. Từ đây, người ta đã có khái niệm thiết kế trò chơi sử dụng bộ công cụ có sẵn nhằm tối ưu chi phí và rút ngắn thời gian sản xuất.
Lịch sử của ngành công nghiệp game chỉ thực sự bước sang trang mới khi Unreal được phát hành vào năm 1998. Tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất này được phát triển bởi bộ công cụ Unreal Engine do chính lập trình viên Tim Sweeney, khi đó mới 28 tuổi, tạo ra.
Lúc bấy giờ, tính tùy biến bản đồ cực cao, khả năng tạo ra môi trường giàu vật thể với ánh sáng và màu sắc phong phú, mờ vân bề mặt khi ở xa là những thứ được Unreal Engine giới thiệu cho cả thế giới game biết.
Kể từ đó, Unreal Engine liên tục được cải tiến, trải qua các phiên bản lại được thêm thắt các tính năng ấn tượng và trở thành bộ công cụ không thể thiếu để sản xuất game bom tấn. Xa hơn, Unreal Engine còn được ứng dụng trong các công đoạn sản xuất hiệu ứng cho các phim bom tấn Hollywood như Jurassic Park, Independence Day 2…
|
Unreal Engine còn được ứng dụng để xử lý kỹ xảo làm phim |
Khả năng của game engine nói chung hay Unreal Engine nói riêng chính là tạo ra các thuật toán mới, kết xuất đồ họa (render) để dựng nên hình ảnh 3D của vật thể, cháy nổ trông như thật. Ngoài ra, game engine còn có thể xử lý hiệu ứng âm thanh, hiệu ứng ánh sáng, hiệu ứng va chạm vật lý, xây dựng trí tuệ nhân tạo (AI) để thao túng hành động của nhân vật trong game.
Phiên bản gần nhất Unreal Engine 5 dự kiến ra mắt năm 2021, vừa tung ra demo hồi tháng 05/2020 khiến cả thế giới game mãn nhãn và kinh ngạc tột độ. Những hiệu ứng chi tiết trên bề mặt vật thể và hiệu ứng ánh sáng được engine này phô diễn cho thấy ranh giới giữa game và đời thật mong manh hơn bao giờ hết.
Tương lai của ngành game
Không thể phủ nhận, game engine nói chung và Unreal Engine nói riêng chính là tương lai của ngành công nghiệp game trị giá 159,3 tỷ USD này. Và để vượt qua cột mốc 200 tỷ USD vào năm 2023 như dự báo của Newzoo, những bộ công cụ thiết kế chính là thứ sống còn mà các nhà phát triển như Epic phải bảo vệ.
Để làm được điều này, đối thủ lớn của Epic, Unity vừa nộp đơn IPO lên Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ nhằm tìm kiếm các nhà đầu tư lớn hơn. Bản thân Epic cũng đã có chính sách miễn phí sử dụng Unreal Engine từ năm 2015 nhằm tiếp cận nhiều hơn nữa những nhà phát triển sáng tạo nhưng không đủ tiềm lực tài chính.
Vì thế, Apple hay bất cứ nhà phân phối nào đụng đến Unreal Engine chính là đụng đến ‘trái cấm’ của Epic Games.
Phương Nguyễn (tổng hợp)
Vì sao CEO Epic Games sẵn sàng làm “gã điên” tuyên chiến Apple?
Nhìn vào tính cách cá nhân của CEO Tim Sweeney, người ta sẽ thấy dễ hiểu hơn khi Epic Games khơi mào cuộc chiến pháp lý chống lại Apple, Google. Sweeney luôn có động lực tự thôi thúc đứng lên đấu tranh với những gã khổng lồ công nghệ.
0 nhận xét:
Post a Comment